Tone policing
Gần đây, mình có tranh luận với một thằng bạn. Tranh luận xong, nó mới bảo là nó không ngờ mình “aggressive” như vậy. Aggressive, nghĩa bình thường là hung hăng, dùng cho phụ nữ thì có thể hiểu nôm na là “đanh đá”.
Mình hỏi nó tại sao nó nghĩ mình aggressive. Thứ duy nhất mình làm là đưa ra luận điểm của mình, và bảo vệ luận điểm đó. Nó cũng làm đúng như vậy.
Nó ngồi nghĩ một lúc mới bảo: “Tao không thích vì mày lớn tiếng với tao.” Mình hỏi: “Tao có hét không? Tao có quát tháo không? Tao có chửi mày không?”
“Không, nhưng bình thường mày nói rất nhỏ nhẹ. Giờ tự nhiên giọng mày đanh lại.”
“Như vậy có nghĩa là mày không phải là không đồng ý với cái tao nói, mà là không thích cách tao nói.”
Nó gật đầu.
Mình hỏi: “Mày nghe cái đó giống giống cái gì không?”
Nó phì cười và xin lỗi mình. Nó bảo, nó nhận ra là nó đã “tone policing” mình.
“Tone policing” là một dạng tấn công cá nhân khi tham tranh luận. Thay vì chú ý vào luận điểm tranh luận, “tone police” tấn công cách trình bày luận điểm đó. Dạng tấn công này đặc biệt ảnh hưởng tới phụ nữ bởi văn hoá hầu hết các nước cho phép đàn ông quyền ăn to nói lớn, bắt phụ nữ phải nhẹ nhàng. Phụ nữ nào dám lên tiếng tranh luận ngay lập tức bị nhìn nhận là hung hăng, đanh đá, và luận điểm tranh luận của họ bị phủ nhận.
Ở Việt Nam, “tone policing” có thể được thấy qua những bình luận kiểu “gì mà đanh đá thế”, quan niệm nữ tính là phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên”, giáo điều rằng phụ nữ khôn ngoan thì phải biết nhẫn nhịn, và ghét ai đó chẳng bởi lý do gì ngoài lý do “ghét cái thái độ.”
Mình đã từng, và vẫn đang bị, rất nhiều người ghét. Người ta ghét mình bởi mình là phụ nữ mà dám tự tin về năng lực bản thân, dám cạnh tranh với thiên hạ. Người ta ghét mình vì mình gặp đàn ông không tự động nhỏ nhẹ “dạ vâng anh”, khi bị ép uống rượu dám thẳng thừng nói không, khi bị giục lấy chồng nhanh để còn đẻ con dám trả lời rằng mình không cần có chồng để mà có con.
Mình bảo với thằng bạn mình là mình không aggressive. Mình có chính kiến của mình, và mình sẽ bảo vệ chính kiến đó cho dù thiên hạ có thích cách mình nói hay không.
Là một phụ nữ đến từ một văn hoá trọng nam khinh nữ, từ nhỏ đến giờ, tất cả những người xung quanh mình đã kế hoạch cho cuộc sống của mình, rằng mình phải thế này thế kia.
Nếu bạn không nói to lên ý kiến của bạn, không ai sẽ nghe nó cả.