Bí quyết thực tập tại các công ty nước ngoài

2018, Feb 05    

Mình có dịp gặp bạn Trịnh Hoàng Triều, một bạn vừa tốt nghiệp đại học hiện đang là resident tại Google Brain, bộ não nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google. Google Brain Residency là chương trình mơ ước của rất nhiều người muốn làm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và có đầu vào vô cùng khắt khe. Năm ngoái, hơn 3000 người nộp đơn mà chỉ có 30 người được nhận. Mình biết nhiều bạn bè mình học những trường đại học tên tuổi như Stanford, Harvard, MIT nộp đơn mà vẫn bị từ chối.

Amish

Khi gặp Triều, mình vừa ngạc nhiên và rất vui. Triều học đại học ở Việt Nam, chưa từng đi du học. Bạn là nhân chứng sống cho thấy các bạn sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với sinh viên quốc tế để làm việc tại các công ty lớn, ở thung lũng Silicon hay ở bất cứ đâu.

Mình có hỏi Triều bí quyết của bạn ấy, và được bạn chia sẻ như sau.

1. Chủ động học hỏi về những cái bạn đam mê

Triều thích trí tuệ nhân tạo nên bạn đã học các khoá học trên mạng về trí tuệ nhân tạo. Bạn đọc các cuốn sách từ cơ bản đến nâng cao như Deep Learning của Ian Goodfellow, Machine learning: a Probabilistic Perspective của Kevin Murphy. Bạn cũng chịu khó theo dõi những người trong ngành để biết họ đang nói về cái gì, và đọc nhiều công trình nghiên cứu.

Có nhiều khoá học về trí tuệ nhân tạo rất tốt và miễn phí (hoặc giá rẻ) trên mạng như ở dưới đây. Tên trong ngoặc là tên trang web nơi bạn có thể học về khoá đó.

  • (Coursera) Neural Networks for Machine Learning, dạy bởi Geoffrey Hinton – người phát minh backpropagation và được coi là cha đẻ của deep learning (học sâu).
  • (Coursera) Machine Learning, dạy bởi Andrew Ng, người sáng lập Google Brain, cựu chief scientist của Baidu, và giáo sư tại Stanford.
  • (Udacity) Intro to Machine Learning, dạy bởi Sebastian Thrun, người sáng lập Google X (phòng nghiên cứu và phát triển những dự án robot), lãnh đạo bộ phận nghiên cứu xe không người lái của Google, sáng lập Udacity, và cũng là giáo sư tại Stanford.

Các bạn có thể xem thêm danh sách mình tổng hợp các khoá học miễn phí ở đây.

2. Bắt tay vào làm

Với kiến thức học được, Triều bắt tay vào làm nghiên cứu và thực hành. Bạn trước hết thử lặp lại những kết quả nghiên cứu trong những bài báo bạn đọc. Bạn cũng phát triển một thư viện cho việc nhận diện vật thể thời gian thực (real time object detection and classification). Bạn đăng những chương trình bạn viết lên GitHub và một trong những chương trình đó (darkflow) được nhiều người sử dụng. Triều nói, GitHub của bạn giúp bạn ghi điểm với các công ty lớn bởi nó thể hiện rằng bạn dám đam mê, dám làm.

3. Xin lời khuyên từ những người đi trước

Trước khi nộp đơn vào Google, Triều gửi email làm quen và xin tư vấn từ một người Việt Nam lúc đó đang làm việc tại Google. Ấn tượng bởi sự đam mê cũng như hồ sơ của Triều, người anh đó đã viết thư giới thiệu cho Triều. Nếu bạn còn thắc mắc làm sao để viết thư làm quen cho tốt, bạn có thể tham khảo bài “Kỹ năng chào hàng bản thân” của mình nhé.

4. Đi từng bước nhỏ

Rất khó để nộp đơn vào một chương trình khắt khe của một công ty lớn lại được nhận luôn. Trước khi nộp đơn vào Google, Triều đã thử sức của mình ở các công ty nhỏ hơn, cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Bạn xin được học bổng nghiên cứu của Japan Student Services Organization để sang Nhật thực tập. Bạn cũng đã từng làm nghiên cứu ở một trường đại học ở Canada.

5. Viết bằng tiếng Anh

Dĩ nhiên, để làm việc ở các công ty nước ngoài, bạn phải có khả năng giao tiếp bằng một ngôn ngữ quốc tế. Trên blog của Triều, mình đã thấy những bài phân tích bạn viết bằng tiếng Anh từ những năm 2013. Những bài viết này thứ nhất là giúp Triều nắm sâu hơn về chủ đề bạn viết (nhiều lúc mình cứ tưởng mình hiểu về một cái rồi, nhưng phải đến khi viết về nó mình mới nhận ra rằng mình còn chưa hiểu nhiều cái). Thứ hai, nó giúp nhà tuyển dụng tương lai biết về những điều Triều quan tâm. Nếu những điều bạn viết cũng lại đúng là những điều công ty đó quan tâm thì chắc chắn là bạn đã ghi điểm với công ty đó.

6. Tham gia các chương trình giới trẻ để phát triển bản thân

Điều thứ 6 Triều không nói nhưng mình xin mạo muội thêm vào.

Các công ty lớn phỏng vấn ứng cử viên không chỉ để kiểm tra chuyên môn của họ mà còn để xem con người của họ có phù hợp với văn hoá công ty hay không. Thường các công ty sẽ muốn nhân viên mình chủ động, có khả năng giao tiếp tốt, hoà đồng, có kỷ luật, tinh thần làm việc theo nhóm cao. Những kỹ năng này không phải cứ ngồi nhà đọc sách mà có được. Nó sẽ yêu cầu bạn tham gia làm việc, giao lưu cũng những người đến từ những nền văn hoá khác nhau, với những nền tảng khác nhau. Các hoạt động giới trẻ trong nước cũng như đa quốc gia là cơ hội tuyệt vời để bạn phát triển những kỹ năng đó.

Mình nói chuyện với một số bạn trẻ Việt Nam về đi thực tập hay làm việc ở nước ngoài thì họ thường băn khoăn về khoảng cách địa lý. Xa xôi vậy nộp đơn sao? Việc nộp đơn giờ đều được thực hiện qua mạng. Phỏng vấn có thể thực hiện qua Google Hangouts, Skype, điện thoại. Phần lớn các công ty đều hỗ trợ chi phí dịch chuyển (bao gồm cả chi phí đi lại lẫn chi phí mua/chuyển đồ - gọi chung là relocation reimbursement).

Bạn bè mình ở Đức, Anh, Ấn Độ nộp đơn sang Mỹ rất nhiều, cũng như bạn bè mình ở Mỹ thì lại thích sang châu Âu, Nam Mỹ làm việc. Tại sao các bạn trẻ Việt Nam không thể nộp đơn sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, v.v.v.? Mình thấy các bạn Việt Nam rất ham học, học kiến thức mới cũng nhanh nữa. Nếu chịu khó tìm kiếm cơ hội, chủ động nộp đơn thì mình nghĩ chẳng có lý do gì để sinh viên Việt Nam không cạnh tranh được với bạn bè năm châu cả.

Một băn khoăn khác nữa là “visa ở đâu ra”? Các công ty lớn rất trọng nhân tài. Một khi họ đã có thích bạn thì họ sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để bạn làm việc với họ. Các công ty lớn đều có thể tài trợ được visa (nhưng xin được hay không thì do bạn phỏng vấn ở đại sứ quán nhé).

Vậy nên bạn nào còn ấp ủ ước mơ ra nước ngoài thực tập thì làm tới luôn nha!

Link bài gốc