Survivorship bias - Thiên kiến kẻ sống sót

2020, May 01    

Một thiên kiến nhận thức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà ít người biết đến là survivorship bias (thiên kiến người sống sót). Thiên kiến này hiểu nôm na là chúng ta hay nhìn vào những người hay vật đã vượt qua một quy trình chọn lọc nào đó, và tin rằng những gì họ làm có tác dụng giúp họ vượt qua quy trình chọn lọc đó.

Ví dụ, khi một tỷ phú là người bỏ học, chúng ta dễ dàng tin rằng: “À, bỏ học là tốt.” Sự thật là phần lớn những người bỏ học không trở thành tỷ phú nhưng họ không nổi tiếng nên chúng ta không biết đến họ. Hay một người sống đến 100 tuổi và nói rằng họ sống lâu vậy là bởi vì ngày nào họ cũng ăn trứng, chúng ra dễ dàng tin họ mà không nghĩ đến bao nhiêu người khác ngày nào cũng ăn trứng nhưng lại chết quá sớm nên chúng ta không biết.

Thiên kiến này rất phổ biến qua những bài báo như: “Thói quen của người thành đạt” hay “Sách tỷ phú khuyên đọc”. Các bài báo này nhầm lẫn rằng nếu người thành đạt có thói quen này nghĩa là thói quen đó giúp họ trở nên thành đạt, nhưng không biết đến bao nhiêu người khác cũng có thói quen đó mà không thành đạt.

Thiên kiến này cũng giúp kẻ xấu lợi dụng lòng tin của mọi người để kiếm tiền. Hình dung một thầy lang bán thuốc cỏ với công dụng chữa bệnh ung thư. Thầy quảng cáo thuốc rằng bệnh nhân A, B uống thuốc của ông và khỏi bệnh. Những bệnh nhân này khỏi thật và cũng đi bảo với người quen của họ rằng họ khỏi bệnh. Những người uống thuốc chẳng may qua đời không thể nói gì về thuốc được, nên tất cả những gì chúng ta nghe về thuốc chỉ là những người sống sót.

Để tránh thiên kiến này, bất cứ khi nào nghe về phương pháp hay lời khuyên gì, chúng ta cần phải đặt câu hỏi: những người cũng theo phương pháp hay lời khuyên đó mà không thành công đang ở đâu? Liệu tiếng nói của họ có thể đọ được với tiếng nói của những người đã thành công hay không?

Link bài gốc