Planning fallacy

2020, May 11    

Hồi mới sang Mỹ, mình order đồ trên Amazon lần đầu tiên. Bạn mình hỏi khi nào đồ đến, mình bảo: “Nó báo là thứ 4 nên chắc phải thứ 5 hay thứ 6 gì đó.” Bạn mình phì cười: “Mày có phải ở Việt Nam nữa đâu. Họ báo là thứ 4 thì có khi thứ 3 là đến rồi.”

Và quả thật, thứ 3 đồ đã đến.

Sau khi đã ở Mỹ gần 6 năm, mình có thể khẳng định rằng 95% thời gian các món mình đặt đến đúng hay sớm hơn ngày dự đoán (lúc kiểm tra lại trên mạng thì mình thấy tỉ lệ đồ Amazon đến đúng thời gian dự đoán giao động trong khoảng 93% - 98%). Bảo sao cổ phiếu Amazon tăng như diều gặp gió mấy năm trở lại đây và Jeff Bezos mới giàu như thế.

Tìm hiểu thêm, mình biết rằng nhiều công ty áp dụng chính sách “underpromise, overdeliver” — hứa ít đi nhưng hoàn thành nhiều hơn. Cách nhanh nhất để mất khách là khiến họ thất vọng, và cách nhanh nhất để khiến họ thất vọng là hứa hẹn họ những điều bạn không thực hiện được.

Từ các công ty đó nhìn lại cuộc sống, mình nhận ra rằng rất nhiều người, bao gồm cả bản thân mình, mắc phải lỗi ngược lại: “overpromise, underdeliver.” Hẹn chị biên tập cuối tuần có bài mà tuần sau mới bắt đầu viết. Thợ điện bảo 10h sáng qua mà 2h chiều vẫn chưa thấy đâu. Hứa hẹn bạn cùng nhà là đi làm về tạt qua chợ 10p là xong nhưng rồi mất cả tiếng ở trong đó. Buổi họp lên lịch 1h nhưng 2h vẫn chưa xong.

Năm 1979, nhà kinh tế học Daniel Kahneman (Nobel kinh tế năm 2002 và là tác giả cuốn Thinking, Fast and Slow) cùng với đồng nghiệp Amos Tversky giới thiệu planning fallacy (lỗi nguỵ biện khi lập kế hoạch). Con người có xu hướng đánh giá thấp thời gian cần thiết để làm một việc gì đó, ngay cả khi họ biết rằng trong quá khứ những việc tương tự sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Có ba lý do chính dẫn đến lỗi này. Thứ nhất, chúng ta thường đưa ra dự đoán dựa vào thời gian tối thiểu để hoàn thành một việc gì đó, nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ. Ví dụ, trong cả chục lần viết bài luận, chỉ một lần duy nhất bạn hoàn thành nó trong 2h nên trong tương lai, bạn lạc quan nghĩ rằng bạn cũng sẽ chỉ mất 2h mà không nhớ rằng trong 9 lần còn lại, bạn mất cả ngày mới viết nổi bài luận. Rất có thể bạn sẽ đổ lỗi 9 lần còn lại cho ngoại cảnh (ai đó làm mình mất tập trung, chẳng may ốm, …) và nghĩ rằng trong tương lai, ngoại cảnh đó sẽ không lặp lại.

Thứ hai, chúng ta nhầm lẫn mong muốn với thực tế. Bạn nói rằng bạn sẽ chỉ tạt qua nhà ông bác 10p chúc tết vì bạn hy vọng bạn có thể xong nhiệm vụ sớm, nhưng rồi lần nào đến nhà bác bạn cũng bị người này người kia hỏi han cả tiếng cũng không ra được. Bạn lên lịch 2h cho việc viết luận với hy vọng rằng bài luận này sẽ chỉ cần của bạn 2h. Nhiều khi, mong muốn sẽ trở thành thực tế. Nếu bạn bắt đầu viết bài luận 2h trước khi deadline, bạn sẽ hoàn thành xong bài luận trong vòng 2h dù bạn có hài lòng với nó hay không.

Thứ ba, chúng ta không muốn thừa nhận rằng mình cần nhiều thời gian hơn để làm việc gì đó, vì sợ rằng đồng nghiệp hay bạn bè hay ai đó đánh giá bạn thấp đi. Bạn biết dự án này sẽ cần ít nhất một tháng để hoàn thành, nhưng vì bạn sợ khách hàng sẽ không giao dự án cho bạn nếu bạn nói một tháng, nên bạn nói 2 tuần và nghĩ sẽ ép bản thân hay nhân viên hoàn thành trong thời gian đó.

Planning fallacy mang đến nhiều hại hơn lợi. Nó làm đổ vỡ nhiều kế hoạch, biến cuộc sống thành mớ hỗn loạn. Nó khiến bản thân chúng ta căng thẳng vì luôn phải chạy từ cái này đến cái kia cho kịp tiến độ. Đã bao giờ bạn bị lỡ một cuộc hẹn và rồi tất cả mọi cuộc hẹn sau đều phải thay đổi cho phù hợp?

Nó cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác nếu họ phụ thuộc vào những gì bạn hứa hẹn, và khiến họ mất niềm tin vào năng lực của bạn.

Viết cả bài dài mang tiếng khoa học thế này chỉ với mục đích duy nhất là than thở về việc giờ cao su của nhiều người. Bạn nào mắc bệnh cao su thì xem lại cách dự đoán thời gian của bản thân, đừng hứa hẹn như đúng rồi xong bắt người khác chờ cả tiếng đồng hồ. Bạn nào biết ai hay mắc bệnh cao su thì gửi bài này thay lời than thở nhé :)

Link bài gốc