“Một điều nhịn, chín điều lành”

2018, Sep 03    

Cuối tuần trước, tôi đến Chicago làm người điều hành cho một panel ở hội thảo cho sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Diễn giả trong panel trả lời hơi dài làm quá thời hạn của chương trình, ban tổ chức ngồi dưới cứ thấp thỏm cứ ra hiệu cho chúng tôi ngắt lời diễn giả. Tôi nhìn sang người điều hành cùng tôi: “Anh ngắt lời đi.” Anh nhăn mặt: “Em ngắt lời đi.” Chúng tôi không ai chịu ngắt lời diễn giả và panel hết thời gian khi mà mới hỏi được hai câu hỏi.

Điều làm tôi băn khoăn là nếu panel đó bằng tiếng Anh, tôi đã không có vấn đề gì ngắt lời người khác. Bạn bè người nước ngoài biết đến tôi như một đứa thẳng thắn, không ngại bắt lỗi người khác khi cần thiết. Nhưng khi nói tiếng Việt, tự nhiên tôi thấy tâm thế của mình quay trở về ngôi làng mà tôi lớn lên, nơi tôi được dạy “dĩ hoà vi quý”, “một điều nhịn, chín điều lành”, tránh đối đầu, không làm gì để người khác mất mặt. Ngắt lời người khác hay ra dấu hiệu rằng họ nói dài quá là một điều không tưởng.

Tối hôm đó, tôi đi bar với mấy người bạn người Việt. Lúc chúng tôi đang ở quầy gọi đồ uống, một anh chàng Mỹ trắng đến quàng vai anh bạn tôi, ngắt lời bạn tôi để gọi đồ uống cho mình. Bartender thấy bạn tôi im lặng liền phục vụ anh chàng Mỹ trắng đó. Ở Mỹ, personal space (không gian cá nhân) rất được coi trọng. Không ai xâm phạm personal space của người khác, trừ khi họ không tôn trọng người đó. Bạn Mỹ trắng này xâm phạm personal space của bạn tôi một cách thô thiển. Tôi hỏi bạn tôi sao không nói gì, anh chàng nhăn mặt, đúng như lúc tôi và người điều hành cùng tôi đã từng nhăn mặt.

Khi về Việt Nam, tôi gặp cái nhăn mặt khó xử đó rất nhiều. Đó là khi mẹ tôi không bao giờ nhắc khách bỏ giày ngay cả khi mẹ vừa lau nhà xong vì sợ làm quê khách. Đó là khi bạn tôi khổ sở uống rượu đến mức say xỉn chỉ vì không đủ tự tin để nói không với người ép uống rượu. Đó là khi trong phòng họp, sếp đưa ra một ý tưởng dở ẹc mà không ai phản đối vì sợ mang tiếng đối đầu sếp.

Khi đọc sách về Việt Nam của tác giả nước ngoài, tôi luôn đọc được rằng Việt Nam là một dân tộc ôn hoà, ngại đối đầu, nhưng hãy xem cái sự ôn hoà, ngại đối đầu đó đưa dân tộc Việt Nam đến đâu? Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được coi là hiền lành, ít đặt câu hỏi, ít tham gia thảo luận vì ngại không ngắt lời thầy cô hay bạn bè cùng lớp.

Mặc dù có nhiều người Việt thành công ở nước ngoài, tôi gặp không ít người Việt mắc kẹt ở vị trí nhân viên nhiều năm ròng rã vì không có “leadership qualities”: không đủ tự tin trình bày ý kiến của mình và thuyết phục người khác làm theo. Một anh làm khá cao trong một doanh nghiệp tài chính ở New York chia sẻ rằng trong bài phỏng vấn, anh có bài kiểm tra cửa sổ: mở cửa sổ cho gió lạnh lùa vào phòng phỏng vấn và xem ứng cử viên có đủ tự tin để đứng lên đóng cửa hay không. Phần đông người Việt, tôi nghĩ, sẽ không qua được bài kiểm tra này.

Khi mới sang Mỹ, tôi có lần bị người phục vụ đưa nhầm đồ ăn sang một món tôi rất không thích. Không muốn gây ồn ào, tôi không yêu cầu đổi và cố ăn vài miếng rồi bỏ. Bạn tôi đã cáu và bảo tôi: “Why didn’t you say anything? You have to stand up for yourself. If you don’t, nobody else will.” Nếu chúng ta không lên tiếng cho quyền lợi bản thân, không ai khác sẽ lên tiếng cho chúng ta.

Chúng ta được dạy là nhẫn nhịn để cuộc sống ôn hoà, nhưng sự nhẫn nhịn, dĩ hoà vi quý của tôi không làm cho những người xung quanh tôi hạnh phúc. Nếu họ thực sự quan tâm đến tôi, họ sẽ vui hơn khi biết tôi được thoải mái. Tương tự như vậy, tôi cũng muốn bạn bè tôi có thể nói với tôi những điều làm họ cảm thấy không thoải mái. Nếu tôi quên bỏ giày ở nhà một người bạn có thói quen bỏ giày, hy vọng bạn tôi sẽ nhắc. Nếu bạn tôi không muốn uống rượu bia hay ăn món gì, tôi sẽ không ép – nếu tôi vô tình ham vui ép, tôi mong bạn tôi sẽ bảo tôi ngừng lại.

Trong nhiều trường hợp, nhẫn nhịn là tốt. Nhưng trong không ít trường hợp, sự nhẫn nhịn biến chúng ta trở thành kẻ yếu đuối, để người khác bắt nạt, một điều nhịn thành chín điều nhục. Tôi ước gì ngày bé, thay vì luôn dạy tôi phải nhẫn nhịn, người lớn dạy tôi biết khi nào nên nhịn, khi nào nên lên tiếng cho bản thân.

Bây giờ lớn rôi, tôi dần học cách đứng lên bảo vệ mình và cuộc sống trở nên dễ thở hơn hẳn. Vì không phải che dấu sự bất tiện người khác gây cho mình, tôi không có lý do gì để nói xấu người khác sau lưng. Bạn bè tôi cũng cảm thấy vô tư hơn khi chơi cùng tôi bởi họ biết tôi nói thích là thích, không thích là không thích, không phải e dè rào trước đón sau. Cuộc sống quá ngắn ngủi, thời gian làm điều mình thích còn chưa đủ, lấy đâu ra thời gian làm điều mình không thích.

Link bài gốc