Nghỉ hưu sớm
Nhiều bạn hỏi mình về lời khuyên để đầu tư và cách tính toán để có thể nghỉ hưu sớm, nên mình dành cả cuối tuần ngồi viết bài này. Bạn nào thấy có ích nhớ ủng hộ để mình có động lực viết tiếp. Bạn nào có câu hỏi gì thì post ở bình luận để nếu có thể, mình sẽ trả lời ở bài tiếp theo!
1. Hiểu rõ về “f* you money”
Mình muốn bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện ngụ ngôn mà mình rất thích. Một vị quan mặc áo gấm đang đi trên đường thì gặp một sư thầy gầy gò ngồi ăn cơm với đậu. Vị quan thấy thương mới khuyên: “Nếu thầy vào triều cung phụng vua thì sẽ không phải ăn cơm đậu như thế này.” Sư thầy điềm đạm trả lời: “Nếu ngài quen với việc ăn cơm đậu thì sẽ không phải cung phụng ai cả.”
Giá trị của đồng tiền với mỗi người mỗi khác. Có người bỏ ra hàng trăm triệu mua một cái túi mà không chớp mắt. Có người đi chợ mua bó rau một hai ngàn cũng phải mặc cả. Cái sự khác nhau trong định giá đồng tiền này đồng nghĩa với việc khái niệm giàu nghèo với mỗi người mỗi khác.
Thông thường, chúng ta định nghĩa giàu nghèo bằng số tiền chúng ta kiếm được. Nhưng có người kiếm cả triệu đô mỗi năm cuối cùng lại phá sản. Có người chỉ làm công ăn lương mỗi tháng vài triệu đồng nhưng vẫn thể nghỉ hưu an nhàn. Trong số hai người này, ai giàu, ai nghèo?
Hay trong câu chuyện ngụ ngôn trên kia, vị quan tuy có cuộc sống vật chất dư giả nhưng ngày nào cũng phải cúi đầu, phụ thuộc vào tính khí thất thường của vua. Sư thầy tuy sống đơn giản nhưng tự do về mặt tinh thần. Trong số hai người này, ai giàu, ai nghèo?
Vậy nên, trước khi bắt đầu con đường làm giàu cho bản thân, chúng ta nên hiểu rõ mục tiêu của bản thân thế nào mới là “giàu”, tránh trường hợp cứ lao vào kiếm nhiều tiền nhất có thể mà bỏ quên những điều thực sự quan trọng với mình.
Một định nghĩa về giàu mà mình khá ưng là: có đủ tiền để không phải đưa ra quyết định vì tiền. Cái này tiếng Anh nôm na gọi là “f* you money”. Nguồn gốc của cụm từ này là chỉ những người có nhiều tiền đến mức có thể nói f* you với bất kỳ ai mà không sợ hậu quả gì. Bạn không cần phải giàu như Jeff Bezos mới có thể có “f* you money”. Bạn chỉ cần có khoản vừa đủ để đạt được mục đích của mình.
Với những người mới ra trường, nó có thể là khoản tiền đủ để bạn có thể nghỉ việc tìm việc mới nếu công việc hiện tại không phù hợp với bạn, hoặc bạn muốn dành nửa năm theo đuổi dự án cá nhân. Nếu bạn cần 5 triệu mỗi tháng để sống, khoản “f* you money” bạn cần là 25 triệu. Với những người đã lập gia đình, nó có thể là khoản tiền đủ để bạn và gia đình duy trì lối sống hiện tại trong vài năm nếu chẳng may bạn gặp sự cố về công việc như bị sa thải hay công ty phá sản. Nếu chi phí mỗi tháng của bạn và gia đình là 20 triệu, bạn sẽ cần khoảng 500 triệu.
Việc có “f* you money” cho phép mình đưa ra nhiều quyết định tuy có chút khác thường nhưng lại thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực. Khi học xong cấp ba, nhờ một khoản tiền nhỏ mình tiết kiệm từ làm thêm (mình không nhớ chính xác nhưng khoảng 7 - 10 triệu), mình có thể đi ngược lại mong muốn của bố mẹ để không thi đại học và dành thời gian tìm kiếm con đường của riêng mình. Khi đang ở Malaysia, khoản tiền 700 đô cho mình đủ tự tin để nghỉ việc để xách ba lô lên và đi.
Mình biết nhiều người với khoản tiền “f* you money” dù nhỏ thôi nhưng đủ để họ vượt qua nỗi sợ mất việc để làm chủ sự nghiệp của mình, và sử dụng nó để thương thảo tăng lương hay thay đổi điều kiện làm việc.
Một khoản “f* you money” vô cùng quan trọng là khoản tiền đủ để bạn có thể sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền, hay còn gọi là nghỉ hưu sớm. Nghỉ hưu sớm không phải vì bạn lười biếng, mà nghỉ hưu sớm là chấm dứt quãng thời gian bạn phải làm việc vì tiền. Sau khi nghỉ hưu, bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu bạn thích, hoặc muốn làm gì thì làm.
2. Hiểu rõ về nghỉ hưu sớm và quy luật 4%
Khoảng một thập kỷ trở lại đây, với giới trẻ phương Tây, việc nghỉ hưu sớm trở thành một mục tiêu quan trọng không kém gì mục tiêu giữ gìn sức khoẻ hay lập gia đình có con. Bạn bè mình hầu hết đều có mục tiêu khi nào có thể nghỉ hưu. Người nào chầm chậm thì đặt mục tiêu 40 - 50 tuổi. Một số người tham vọng thì đặt mục tiêu 30 - 40. Mình biết vài người chưa đến 30 mà đã có thể tự tin nói rằng họ đã đạt cột mốc nghỉ hưu sớm và từ giờ chỉ làm những việc mà họ thực sự thích.
Tính toán khoản tiền đủ để nghỉ hưu sớm và làm sao để có được khoản tiền đó đã trở thành một ngành của riêng nó dưới cái tên ERE (Early Retirement Extreme – nghỉ hưu siêu sớm) hay FIRE (Financial Independence, Retire Early – độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Sách, blog tập trung vào chủ đề này mọc lên như nấm. Một trong những nội dung mà mình đọc là Mr. Money Mustache, một cựu kỹ sư phần mềm Canada nghỉ hưu từ năm 30 tuổi nhờ lối sống vô cùng tằn tiện và JL Collins, một cựu quản lý kinh doanh người Mỹ nghỉ hưu ở tuổi 47. JL Collins cũng là tác giả của cuốn sách về tài chính cá nhân mình khá thích: “The Simple Path to Wealth”.
Trong phong trào nghỉ hưu sớm, mọi người hay nhắc đến quy luật 4%: bạn có thể nghỉ hưu nếu 4% số tiền bạn đang có đủ để bạn sống trong một năm. Nếu bạn có thể sống bằng $500/tháng ($6k/năm), bạn sẽ cần 6 * 25 = 150 ngàn USD để có thể nghỉ hưu. Nó bắt đầu với giả định rằng số tiền bạn có sẽ sinh lãi ít nhất 4% một năm, đồng nghĩa với việc bạn có thể tiêu 4% này mà không sợ ăn vào gốc.
Quy luật này có nguồn gốc từ tính toán dựa vào nền kinh tế Mỹ. Trong 40 năm từ 1975 - 2015, trung bình mỗi năm, thị trường chứng khoán tăng trưởng 11.9% trong khi lạm phát 3.78%. Nếu bạn đầu tư tiền của bạn vào thị trường chứng khoán Mỹ, trừ đi 3.78% lạm phát và 3.8% dùng để tái đầu tư, bạn vẫn còn lãi 11.9 - 3.78 - 3.8 = 4.32%.
Theo nghiên cứu của đại học Trinity, phương pháp này có 96% khả năng thành công trong việc giúp bạn sống trong 30 năm tiếp theo mà không cần khoản thu nhập gì khác. Dĩ nhiên, phương pháp tính toán và chiến lược đầu tư phức tạp hơn những gì mình viết ở đây nhiều. Bạn nào quan tâm đến nghiên cứu chi tiết có thể tìm đọc trên mạng.
Quy luật này có một số điểm cần lưu ý. Thứ nhất, nó mặc định rằng bạn sẽ dùng tiền bạn có để đầu tư sinh một khoản lãi nhất định, chứ không mua vàng cất ở nhà hay bỏ tiền vào ngân hàng. Các ngân hàng luôn trả lãi thấp hơn mức lạm phát, nên nếu để tiền trong ngân hàng về lâu về dài, giá trị tiền của bạn sẽ mất đi so với thị trường.
Thứ hai, thị trường lên xuống thất thường. Lịch sử 100 năm trước của thị trường không đảm bảo tương lai của thị trường trong 20, 30 năm tới. Thứ ba, với những người không có điều kiện đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ, con số này gần như là vô dụng.
Câu hỏi đặt ra là: liệu chúng ta có thể đầu tư ở thị trường Việt Nam và có một quy luật tương tự? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu về thị trường, công cụ đầu tư, và lạm phát ở Việt Nam.
3. So sánh thị trường kinh tế Mỹ và thị trường kinh tế Việt Nam
Trước hết về thị trường. Thị trường chứng khoán Mỹ là một thị trường chín muồi với cả trăm năm lịch sử và được quản lý nghiêm khắc, sát sao bởi chính phủ để bảo vệ quyền lợi của người tham gia. Thị trường Mỹ đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng lớn nhất trong thời đại công nghiệp hoá là Đại khủng hoảng từ năm 1929 đến 1939. Nếu bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ ngay trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, bạn sẽ phải chờ 26 năm thì tiền của bạn mới được phục hồi. Nhưng khủng hoảng này cho phép chính phủ Mỹ hiểu thị trường và đưa ra các biện pháp quản lý để tránh khủng hoảng cho tương lai.
Khủng hoảng gần đây nhất là năm 2008 khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 50% giá trị trong vòng 2 năm. Đây được coi là khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Đại khủng hoảng năm 1929 nhưng cũng chỉ đến 2013 là thị trường đã phục hồi trở lại. Chính vì vậy, thị trường Mỹ được coi là một thị trường ổn định và khá an toàn để đầu tư.
Ngược lại, thị trường chứng khoán ở Việt Nam là một thị trường non nớt mới chỉ hoạt động trong 20 năm trở lại đây. Quản lý của chính phủ và sự minh bạch của các công ty vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Như các thị trường mới nổi khác, thị trường Việt Nam lên xuống thất thường. Hơn nữa, vì là thị trường nhỏ và không có nền tảng vững chắc, thị trường Việt Nam dễ bị ảnh hưởng mạnh bởi những gì xảy ra trên thế giới. Chính vì vậy, thị trường Việt Nam có mức độ rủi ro khá cao để đầu tư. Tuy nhiên, bạn nào học tài chính sẽ biết: thông thường, rủi ro cao đồng nghĩa với lãi suất cao.
Về công cụ đầu tư, ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển còn có cái gọi là index fund: tổ hợp cổ phiếu của những công ty lớn nhất trên thị trường. Thay vì mua cổ phiếu của từng công ty với mức độ rủi ro cao – công ty to đến đâu vẫn có thể phá sản, điển hình gần đây nhất là Lehman Brothers, General Motors, Enron – bạn có thể mua cổ phần của Index fund để sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty cùng mục lúc. Sở hữu index fund giống như sở hữu một phần của thị trường vậy. Công ty riêng lẻ thành bại thất thường, nhưng về lâu về dài, thị trường luôn lớn dần lên. Nếu thị trường chứng khoán tăng trưởng 10%, khoản đầu tư của bạn vào index fund cũng sẽ trả lãi xấp xỉ 10%. Một index fund khá tốt của Mỹ được nhiều chuyên gia tài chính khuyên dùng là Vanguard.
Một số index funds có bao gồm thị trường Việt Nam như Matthews Emerging Asia fund (MEASX), VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM), VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF:LSE). Các quỹ này đều khá nhỏ – tổng tài sản khoảng 100 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đây là con số nhỏ như muỗi so với các index funds ở Mỹ (ví dụ, 500 Index Fund Investor Shares (VFINX) của Vanguard có tổng tài sản trị giá 430 tỷ USD). Các quỹ này cũng còn rất mới nên tiềm năng hoạt động còn khó đoán.
Về lạm phát, đồng đô la của Mỹ được coi là một đồng tiền mạnh và khá ổn định. Trong khoảng thời gian 40 năm từ 1975 đến 2015, lạm phát của Mỹ ở mức trung bình 3.78% một năm, cao nhất là 13.55% năm 1980 và thấp nhất là -0.36% năm 2009 khi ở giữa tâm cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.
Việt Nam đồng là một đồng tiền không ổn định, dễ mất giá. Trong khoảng thời gian 23 năm từ 1996 đến 2019, lạm phát trung bình 6.35% một năm, với mức cao kỷ lục là 28.24% tháng 8 năm 2008 và thấp kỷ lục -2.60% tháng 7 năm 2000. Nếu bạn nào thắc mắc tại sao mình không đưa thông tin lạm phát trước 1996: thế giới chỉ quan tâm đến thị trường Việt Nam kể từ sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1995. Rất nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới khuyên người muốn về hưu sớm không nên giữ tiền Việt. Một bài viết khá cực đoan trên Forbes của chuyên gia tài chính cá nhân Robert Laura gọi tiền Việt Nam và tiền Dinar của Iraq là “scam” – sự lừa đảo.
Như vậy có nghĩa là công cụ mà các bạn trẻ ở các thị trường phát triển như Mỹ có thể sử dụng để xây dựng danh mục đầu tư nghỉ hưu sớm với độ an toàn cao khó mà có thể áp dụng được ở Việt Nam, ít nhất tại thời điểm này. Vậy các bạn trẻ Việt Nam nên làm gì?
Bài viết đến thời điểm này đã khá dài rồi, nên mình sẽ trả lời câu hỏi này ở phần tiếp theo nhé. Mình đã dành rất nhiều thời gian để đọc + nghiên cứu để viết loạt bài này. Hy vọng bài viết có ích cho bạn ❤