Tiếp cận công nghệ như người Amish

2020, Jul 19    

Tuần này, mình thực hiện thêm được một trong 100 điều mình muốn làm trước khi chết: đến thăm một cộng đồng Amish.

Mình biết đến người Amish lần đầu tiên từ năm 2009 qua parody “Amish paradise” của Weird Al Yankovic. Trong video này, người Amish hiện lên như một nhóm người vẫn còn sống trong thế kỷ 18. Họ đều là nông dân, sáng dậy sớm ra cho gà ăn, vắt sữa bò, đi xe ngựa kéo. Đàn ông và phụ nữ đều mặc áo choàng đen dài đến mắt cá chân. Đàn ông để râu và đội mũ cao bồi. Phụ nữ cả đời không bao giờ cắt tóc và quàng khăn che đầu.

Họ không sử dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả TV, điện thoại di động, ô tô. Họ không chụp ảnh, không selfie, và chắc chắn không ai trong số họ có Facebook hay Instagram. Amish hay bị miêu tả như Luddite – người chống đối công nghệ.

Amish
Ảnh bởi USAToday

Theo số liệu năm 2019, trên thế giới có khoảng 300,000 người Amish. 98.35% họ sống ở nước Mỹ với cộng đồng tập trung ở những tiểu bang bao gồm Ohio, Pennsylvania, và New York. Vì đang ở bờ Đông, nơi tập trung nhiều cộng đồng người Amish, mình tranh thủ tìm hiểu thêm về nhóm người này, và nhận ra rằng cách sống của họ có nhiều điểm đáng học tập.

Amish có thể nói là nhóm người thành công nhất trong việc duy trì cộng đồng, đặc tính văn hoá, và tín ngưỡng của họ. Trong khi nhiều cộng đồng lớn mạnh hơn, thậm chí cả dân tộc, đã bị hòa đồng và hoà tan hay đi vào quên lãng, văn hoá Amish đã tồn tại hơn 300 năm qua với rất ít thay đổi, và ngày càng lớn mạnh lên.

Thứ giúp cộng đồng Amish bền vững là quy tắc và giá trị họ đặt ra. Có nhiều cộng đồng Amish, mỗi cộng đồng lại có những luật lệ của riêng họ, tuy không viết thành văn bản, ai trong cộng đồng cũng biết và tuân theo. Người nào không tuân theo sẽ nhận được cảnh báo, và nếu không chịu thay đổi sẽ phải chịu Meidung – cộng đồng xa lánh. Không ai trong cộng đồng sẽ nói chuyện với họ hay giúp đỡ họ.

Người Amish không tin rằng công nghệ là xấu. Ngược lại, theo Kevin Kelly (đồng sáng lập tạp chí Wired), họ là những nhà sáng tạo tài tình, thích tìm tòi máy móc, và ủng hộ sự phát triển công nghệ kỹ thuật. Cái khác của họ là thay vì mặc định chấp nhận tất cả mọi cái mới, người Amish tiếp nhận chúng với “intentionality” – họ sẽ chỉ chấp nhận một cái mới nếu như nó không có ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cốt lõi của họ.

Họ chấp nhận những công nghệ như pin, đèn điện, nông cụ. Họ chấp nhận đi xe buýt nhưng không chấp nhận xe ô tô bởi ô tô cho phép con người đi xa một cách nhanh chóng, dễ dàng rời xa gia đình và cộng đồng. Một số người có điện thoại bàn, thường để riêng biệt trong chuồng ngựa để liên hệ khi cần thiết, nhưng sẽ không dùng điện thoại di động.

Bộ phim tài liệu American Experience: The Amish kết thúc bằng câu chuyện thể hiện rất rõ giá trị Amish.

Trên một xe buýt, một du khách hỏi một người đàn ông Amish: “Sự khác biệt giữa những người như ông và chúng tôi là gì?”

Người đàn ông Amish hỏi: “Bao nhiêu người trong số các bạn có TV?”

Tất cả mọi người giơ tay.

“Bao nhiêu người trong số bạn, nếu có gia đình, nghĩ rằng gia đình bạn sẽ tốt hơn nếu không có TV?”

Hầu hết mọi người giơ tay.

“Bao nhiêu người trong số bạn sẽ về nhà vứt TV đi?”

Không ai giơ tay cả.

“Đó là sự khác biệt giữa bạn và Amish. Chúng tôi sẽ vứt TV đi. Nếu cái gì đó có hại cho gia đình, chúng tôi sẽ không chấp nhận nó.”

Người Amish theo Kitô giáo duy truyền thống. Khác với nhiều nhóm người sùng đạo khác, người Amish không có nhu cầu truyền bá tôn giáo của họ hay cải đạo người khác. Khi không chấp nhận một điều gì đó, cách giải thích của họ chỉ đơn giản là: “không phù hợp với giá trị và tín ngưỡng của người Amish,” chứ không lên án điều đó hay tấn công người chấp nhận nó.

Nhiều cộng đồng Amish có tục Rumspringa, dịch nôm na là “rong ruổi.” Thanh niên mới lớn, thường là nam, được khuyến khích rời xa nhà để khám phá thế giới và thử những thứ thường bị cấm bởi cộng đồng mà không phải chịu trừng phạt. Họ không phải mặc trang phục truyền thống của người Amish, có thể mua xe, uống rượu bia, thậm chí dùng một số chất gây nghiện.

Rumspringa kết thúc bằng việc thanh niên đó quay trở lại và rửa tội để trở thành thành viên chính thức của cộng đồng, hoặc là rời bỏ cộng đồng hoàn toàn. Người Amish tin rằng tín ngưỡng là một sự lựa chọn. Mỗi người phải tự lựa chọn cho bản thân, chứ họ không ép buộc nó lên ai cả. Khoảng 90% thanh niên Amish chọn quay trở lại cộng đồng sau Rumspringa.

Ấn tượng của mình khi tiếp xúc với người Amish là họ giản dị, thân thiện, và thành thật. Họ theo đuổi một cuộc đời sự tử tế thay vì một cuộc đời trí tuệ. Người Amish nào mình gặp trên đường cũng mỉm cười và vẫy tay chào. Hoa quả họ bán nửa giá người thường. Đi qua một bàn bán đồ của người Amish, mình thấy giá bánh quy là $4. Lúc đưa cho bác bán $4, bác trả lại mình 50 xu. Bác bảo đấy là giá họ đưa ra ngoài chợ. Mình đến tận đây nên được giảm 50 xu.

Amish

Mình đang ở một chuồng ngựa cải tiến thành một nhà khách, và thấy ấn tượng từ mái nhà đến bếp đến bàn ghế. Mình hỏi chủ nhà tại sao chuồng ngựa là xây đồ đắt đỏ thế, chị cười bảo đấy là do nhà này được xây bởi người Amish. Giá họ làm rẻ nhưng vô cùng chất lượng.

Mình không muốn tô màu hường cho cách sống của người Amish, bởi họ có những giá trị mà mình không chấp nhận. Phụ nữ Amish vẫn phải phục tùng chồng. Họ ít sử dụng vaccine và các biện pháp tránh thai. Trẻ con chỉ học đến lớp 8. Nhiều cộng đồng Amish truyền thống chịu dị dạng về ngoại hình bởi “inbreeding” – hôn nhân giữa bà con họ hàng gần.

Cách sống của người Amish là một cái gương để qua đó, chúng ta có thể nhìn và suy nghĩ về cách sống của bản thân. Liệu chúng ta có cần phải luôn có những vật dụng, máy móc mới nhất? Không ai có thể sống rời điện thoại ra được một ngày. Ai cũng than phiền về mạng xã hội, nhưng bao nhiêu người dám từ bỏ mxh?

Chúng ta muốn tiếp cận công nghệ để làm chủ chúng, nhưng sự thật là lại để công nghệ làm chủ chúng ta.

Link bài gốc